Cà phê Việt Nam Từ 3 Câu Chuyện Đầy Mê Say Thành Văn Hoá
09/07/2025Khách du lịch ngoại quốc có lẽ đã ít nhiều nghe tới cà phê Việt Nam, đơn giản vì quốc gia này đứng thứ hai trên toàn thế giới về sản lượng xuất khẩu cà phê hàng năm. Và sẽ không khỏi bất ngờ khi văn hoá cà phê ở Việt Nam có thể phong […]

Khách du lịch ngoại quốc có lẽ đã ít nhiều nghe tới cà phê Việt Nam, đơn giản vì quốc gia này đứng thứ hai trên toàn thế giới về sản lượng xuất khẩu cà phê hàng năm. Và sẽ không khỏi bất ngờ khi văn hoá cà phê ở Việt Nam có thể phong phú đến như vậy.
Từ những quán cà phê bệt bên vỉa hè đối diện Nhà thờ Đức Bà (Thành phố Hồ Chí Minh) mà không thể là quán vì không có một địa chỉ cụ thể, một quầy kệ phổ biến như những quán hàng mà chúng ta thường thấy, chỉ đơn giản là những miếng bạt cắt vuông vắn được đưa vào tay khách khi xe máy của họ dừng trên lề đường và sau đó, từ một góc bất kỳ, những ly cafe đen đá hoặc cafe sữa đá đặc trưng của Sài Gòn được đưa tới tay người uống.
Cho tới những quán cafe lâu đời nổi tiếng ở Hà Nội với những cái tên đã quá quen thuộc với người dân Thủ đô như cafe Lâm, cafe Nhân, cafe Giảng, cafe Thọ…

Vài năm trở lại đây, văn hoá cà phê tại Việt Nam đã trải qua những chuyển biến sâu sắc theo dòng chảy của làn sóng cà phê đang nhanh chóng lan rộng toàn cầu. Làn sóng cà phê thứ ba như hiện nay tập trung và các điểm cảm quan phức tạp hơn và đề cao mối quan hệ giữa hạt cà phê với vùng trồng hạt cà phê đó, với các yếu tố như vị trí địa lý, thổ nhưỡng, nguồn nước… để tạo ra những món đồ uống gốc cà phê mang hương vị tuyệt vời hơn, sâu sắc hơn cho người uống.
Những tên tuổi specialty cafe (cà phê đặc sản) có thể dễ bắt gặp tại các thành phố lớn của Việt Nam như Bosgaurus, Red door, The Yellow Cup, Soul, Acid8, Loi’s , XLIII, O2o First Roast, Àla (Đà Nẵng) và giờ đây ngay tại các thành phố nhỏ cũng len lỏi những quán cà phê đặc sản mang cá tính và câu chuyện rất riêng, để những người yêu cà phê khắp nơi trên Việt Nam cũng như các quốc gia khác tìm tới, có thể kể đến như Sơn Pacamara, The Married Beans, Tay Nam (Đà Lạt), Tan, Nhà Quin, Hue Cafe Roastery (Huế), Espresso Station, Hoi An Roastery, Mia Coffee (Hội An), Guru, Nora, Anh (Nha Trang)...
Xem thêm: Cà phê Sài Gòn có gì đặc biệt?
Mặc dù với bức tranh đa dạng về hàng quán cà phê cũng như gu thưởng thức cà phê của người dân địa phương cũng như khách du lịch, thì ở mỗi vùng miền tại Việt Nam cũng là nơi sản sinh những món đồ uống từ cà phê rất đặc biệt, rất riêng, mang câu chuyện của cả sự thay đổi của lịch sử và đời sống xã hội. Hãy cùng Silverland tìm hiểu một số loại đồ uống điển hình:
1. Cà phê trứng (Hà Nội)
Sẽ thật sự khó nói khi đã tới Hà Nội mà thiếu một lần thử cà phê trứng. Món đồ uống này ra đời trong những năm 1940, khi cả miền Bắc khan hiếm sữa. Điều này cũng có thể thấy, cà phê và cà phê sữa (coffee au lait) đã du nhập vào Việt Nam cùng người Pháp từ rất lâu, tạo nên một thói quen uống cà phê của người Việt thời kỳ đó.

Để pha chế loại đồ uống này, lòng đỏ trứng sống sẽ được đánh chung với sữa đặc thật đều tay để tạo nên một hỗn hợp kem trứng bọt siêu mịn, màu trắng. Cà phê pha nóng đậm đặc được đổ sẵn vào ly, và món hỗn hợp kem trứng sẽ đổ lên trên, cuối cùng sẽ được rắc một chút bột cacao lên trên cùng để trang trí.
Khi thưởng thức, người uống có thể khuấy đều để trộn hoà cả lớp cà phê đậm đặc bên dưới với lớp kem trứng mịn bên trên, vừa để giảm vị ngọt của lớp kem trứng, vừa để không bị “sốc” vì lượng cà phê đen đậm bên dưới. Hoặc người uống cũng có thể dùng muỗng thưởng thức lớp kem trứng mịn và béo ngậy ở trên, sau đó thưởng thức phần cà phê bên dưới.
Tuy nhiên, món đồ uống này thực sự nên uống hết khi còn nóng, dù là thưởng thức theo cách nào. Khi uống nguội, người dùng sẽ dễ dàng cảm nhận được mùi vị rõ rệt của trứng, khiến món đồ uống trở nên khó cảm nhận hơn. Thức uống này ngon nhất là thưởng thức khi vừa được mang lên bàn và còn ấm nóng, dù là mùa hè hay mùa đông.
2. Cà phê muối (Huế)
Nếu cà phê trứng được ra đời tại Hà Nội do một cựu đầu bếp trong khách sạn 5* nổi tiếng Thủ đô từ năm 1946, thì cà phê muối chỉ được giới thiệu từ năm 2010 do hai vợ chồng người gốc Huế sáng chế tại mảnh đất cố đô. Cũng giống như đường hoặc sữa, công dụng của muối khi bỏ vào cà phê có thể giảm độ đắng của loại thức uống này.

Thành phần của ly cà phê muối bao gồm cà phê pha đậm, kết hợp với sữa đặc, sữa kem béo và một chút muối. Khi thưởng thức, người uống nhấp ngụm cà phê có mang chút vị đầu là đắng, sau đó sẽ ngay lập tức cảm nhận được vị ngọt và sau đó là béo ngậy của kem cùng chút mằn mặn đầu lưỡi. Tất cả hợp vị đó hoà lẫn trong hương cà phê thoang thoảng cho tới ngụm cuối cùng.
Cũng giống như cafe trứng ở Hà Nội, cà phê muối ở Huế hiện nay vẫn được bán bởi chính gia đình người chủ đã sáng chế ra thức uống đó, với tất cả sự cầu kỳ trong ẩm thực để trau chuốt ra món đồ uống thanh tao, trang nhã, đầy sáng tạo nhưng vẫn giữ nguyên vị cà phê.
3. Bạc xỉu (Sài Gòn) - Cà phê Việt Nam
Bạc xỉu (hay bạc sỉu) chắc chắn là một biểu tượng của thức uống Sài Gòn. Hai chữ Bạc - Xỉu bắt nguồn từ tiếng Hoa, là viết tắt của Bạc tẩy Xỉu phé (Ly sữa trắng thêm chút cà phê). Thức uống này ra đời từ những năm 1950-1960 trong cộng đồng người Hoa tại Sài Gòn, là một loại đồ uống pha trộn văn hoá của cả 3 nền văn hoá ẩm thực Pháp - Việt - Hoa.
Người Pháp mang cà phê tới Việt Nam, người Việt thêm sữa đặc để giảm bớt vị đắng của cà phê, và người Hoa thêm thật nhiều sữa đặc để giảm hẳn vị đắng, mang lại thức uống có thể phục vụ cho cả những người không thể quen với vị đắng nguyên thuỷ của cà phê.

Bạc xỉu có thể pha nóng hoặc đá, mỗi cách pha đều mang đến cách thưởng thức giống nhau. Để pha nóng, sữa đặc sẽ được bỏ vào ly đầu tiên, tiếp theo là sữa tươi đã được đánh mịn bọt và cuối cùng rưới chút cà phê nóng đậm đặc lên trên cùng để tạo màu và mùi hương. Còn để pha lạnh, sữa đặc sẽ được khuấy tan với đá viên, sau đó sẽ tưới một lượng sữa tươi vừa ngập đủ các viên đá trong ly và cuối cùng cà phê đậm đặc đã được đánh bọt mịn sẵn bên ngoài được rưới lên trên cùng.
Cả ba loại thức uống này ngày nay đã quá phổ biến trên khắp Việt Nam, mỗi quán cà phê, mỗi vùng miền, đều có thể có những cách pha chế và bổ sung thêm vài thành phần nguyên liệu khác nhau để tạo ra sự khác biệt cho quán.
Ngay tại Bason Cafe dưới sảnh của The Myst Dong Khoi Hotel, Silverland Bến Thành Hotel hoặc Silverland May Hotel trong chuỗi khách sạn của chúng tôi, bạn cũng có thể gọi những đồ uống này để cảm nhận và thưởng thức sự đa dạng của một loại đồ uống phương Tây khi du nhập vào Việt Nam đã được sáng chế đa phong cách mà không mất đi tinh tuý nguyên bản của ly cà phê.