Những địa điểm tôn giáo nổi tiếng Quận 1 Thành phố Hồ Chí Minh
29/06/2024Dù bạn theo bất cứ tín ngưỡng tôn giáo nào, hoặc khi tới một điểm đến mới, một thành phố hoặc quốc gia mới và tôn giáo là điều mà bạn mong muốn tìm hiểu, khám phá, từ các công trình kiến trúc tới lịch sử tôn giáo tại địa phương, chúng tôi có một danh sách các địa điểm tôn giáo nổi tiếng quận 1 Thành phố Hồ Chí Minh để bạn có thể ghé thăm.
Dù bạn theo bất cứ tín ngưỡng tôn giáo nào, hoặc khi tới một điểm đến mới, một thành phố hoặc quốc gia mới và tôn giáo là điều mà bạn mong muốn tìm hiểu, khám phá, từ các công trình kiến trúc tới lịch sử tôn giáo tại địa phương, chúng tôi có một danh sách các địa điểm tôn giáo nổi tiếng quận 1 Thành phố Hồ Chí Minh để bạn có thể ghé thăm.
Với sự đa dạng về tôn giáo và tự do tín ngưỡng của người Việt Nam, sẽ không khó để nhận thấy ngay tại khu vực Quận 1 có vô số chùa chiền, nhà thờ. Các tôn giáo cùng tồn tại và phát triển, mang tới màu sắc tín ngưỡng đa dạng cho không chỉ Quận 1 mà cả Sài Gòn.
Danh sách các địa điểm tôn giáo nổi tiếng Quận 1
1. Nhà thờ Công giáo:
Nhà thờ Đức Bà - Notre Dame Cathedral
Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn được thiết kế và thi công trong giai đoạn 1877 - 1880, là biểu tượng TP HCM nơi du khách đến thành phố đều đến ít nhất một lần tham quan. Điểm đặc biệt của công trình là toàn bộ vật liệu xây dựng đều nhập khẩu từ Pháp, trong đó toàn bộ gạch đỏ cam không tô trát vẫn giữ nguyên màu đến hiện tại. Hai đỉnh nhọn trên tháp chuông được gắn thêm năm 1984, từng là nơi cao nhất thành phố bấy giờ, du khách coi là cột mốc nhận biết Sài Gòn từ xa.
- Địa chỉ: Số 01 Công xã Paris, phường Bến Nghé, quận 1, TP Hồ Chí Minh
- Giờ lễ thứ 2 đến thứ 7: 5h30, 17h30
- Giờ lễ vào Chủ nhật: 5h30, 6h45, 8h00, 9h30 (thánh lễ bằng tiếng Anh), 16h, 17h15, 18h30
Nhà thờ Huyện Sĩ
Nhà thờ Huyện Sỹ, còn gọi là nhà thờ Chợ Đũi (góc đường Tôn Thất Tùng - Nguyễn Trãi, Quận 1) hình thành năm 1902 - 1905. Nhà thờ theo lối kiến trúc Gothic. Bên trong ngọn tháp cao có 4 quả chuông được đúc tại Pháp năm 1905. Nằm ở trung tâm quận 1, nơi đây cũng là một điểm hấp dẫn khách tham quan.
- Địa chỉ: 1 Đường Tôn Thất Tùng, Phường Phạm Ngũ Lão, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh
- Giờ lễ từ thứ 2 đến thứ 7: 5h, 17h30
- Giờ lễ vào Chủ nhật: 5h, 6h30, 8h, 8h30, 16h30, 18h, 19h30
Nhà thờ Tân Định
Mặc dù nằm trên địa bàn quận 3 nhưng giáp ranh với quận 1 (cách nhau bởi con đường Hai Bà Trưng), vậy nên rất nhiều người lầm tưởng Nhà thờ Tân Định thuộc địa bàn quận 1. Nhà thờ Tân Định được xây dựng vào năm 1870 - 1876, nơi đây hấp dẫn du khách trong và ngoài nước bởi màu sơn hồng nổi bật, khác với phần lớn các công trình Công giáo ở Việt Nam. Toàn bộ nhà thờ được sơn màu hồng bên ngoài và hồng nhạt hơn bên trong từ năm 1957. Tổng thể nhà thờ theo lối kiến trúc Gothic, trong đó nhiều chi tiết lại mang phong cách Roman và Baroque.
- Địa chỉ: Số 289 đường Hai Bà Trưng, phường 8, quận 3, TP Hồ Chí Minh
- Giờ lễ thứ 2 đến thứ 6: 5h, 6h15, 17h30, 19h
- Giờ lễ vào thứ 7 và Chủ nhật: 5h, 6h15, 7h30, 9h00, 16h00, 17h30, 19h
Đại chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn
Trải dọc theo chiều dài của con đường Tôn Đức Thắng (Quận 1), Đại chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn do linh mục Wilbaux người Pháp sáng lập và cho xây dựng từ năm 1863. Đây được coi là công trình Công giáo lâu đời nhất ở Sài Gòn và là một trong các trung tâm đào tạo linh mục Công giáo lớn nhất của Việt Nam. Trong đó, tòa chủng viện đầu tiên được xây năm 1863 - 1866 và nhà nguyện xây năm 1867 - 1871 là hai công trình đã có tuổi đời trên 100 năm.
- Địa chỉ: Số 06 Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, quận 1, TP Hồ Chí Minh
2. Chùa Ấn Độ giáo:
Tọa lạc giữa Quận 1 và khá gần nhau, những ngôi chùa Ấn Độ dưới đây với lối kiến trúc Hindu đầy ấn tượng luôn là điểm đến du lịch hấp dẫn. Không chỉ được biết đến với phong cách thiết kế đặc trưng, mà đây còn là nơi linh thiêng để mọi người đến cầu nguyện, chiêm bái. bạn nhất định phải ghé 3 ngôi chùa nổi tiếng dưới đây!
Chùa Bà Ấn – ngôi chùa Ấn Độ nổi tiếng Sài Gòn
Nhắc đến chùa Ấn Độ ở Sài Gòn thì chắc chắn không thể bỏ qua chùa Bà Ấn hay còn được biết đến với tên gọi khác là đền Bà Ấn. Chùa được người Ấn Độ xây dựng vào những năm đầu thế kỷ 20 và sở hữu kiến trúc độc đáo. Tên gốc của ngôi chùa này xuất phát từ tên của nữ thần Mariamman – hiện thân của thần Mưa – vị thần tượng trưng cho đất đai màu mỡ và mùa màng bội thu. Nữ thần Mariamman là người phụ nữ trẻ vô cùng xinh đẹp với khuôn mặt hung đỏ, trang phục màu đỏ, có nhiều tay tượng trưng cho sức mạnh vô biên.
Ngoài ra, người Hindu giáo cũng tin rằng, bà có khả năng chữa bách bệnh, giúp mọi người “cầu được ước thấy”, do đó chùa Bà Ấn Độ ở Sài Gòn nổi tiếng là ngôi cổ tự linh thiêng. Nơi đây thu hút đông đảo du khách đến chiêm bái, cầu tự.
- Địa chỉ: 45 Trương Định, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Chùa Ông Subramaniam Swamy
Chùa Ông là ngôi chùa Ấn Độ độc đáo và cổ xưa nhất ở Sài Gòn. Chùa tọa lạc tại quận 1, được xây cất vào thế kỷ 19 và là nơi thờ Thần Subramaniam Swamy. Đây là vị thần có nhiều quyền lực và là con của thần Shiva – vị Thượng Đế tối cao trong Ấn Độ Giáo theo phái Shaiva – một trong 5 hình thức nguyên sơ của Thượng Đế.
Chùa Ông Subramaniam Swamy là một trong những ngôi chùa Ấn Độ ở Thành phố Hồ Chí Minh sở hữu chánh điện lớn. Trong chùa còn có hình tượng linga và yoni được rắn thần Naga che chở, ngoài ra còn có thần Lakshmi và thần Vishnu.
- Địa chỉ: 98 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Chùa Sri Thenday Yutthapani
Sri Thenday Yutthapani cũng là một trong những ngôi chùa Ấn Độ nổi tiếng không những ở Sài Gòn mà trên khắp Việt Nam và thu hút nhiều du khách đến tham quan, chiêm bái. Tên gọi của ngôi chùa Ấn Độ này được đặt theo tên của vị thần chiến tranh trong văn hóa của người Ấn – Thenday Yutthapani. Theo đó, vị thần này là người cai quản thiên binh trên trời nhằm chống lại các thế lực đen tối, ma quỷ.
Ở khu vực miền Nam Ấn Độ, thần chiến tranh được nhiều người vô cùng sung bái. Với họ, Thenday Yutthapani là vị thần bảo vệ lẽ phải, sự công bằng và mang đến cuộc sống bình an. Đặc biệt, giới doanh nhân xem vị thần này là thần thương mại, giúp công việc kinh doanh của họ thuận lợi, buôn may bán đắt.
- Địa chỉ: 66 Tôn Thất Thiệp, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
3. Chùa của cộng đồng người Hoa:
Chùa Ngọc Hoàng
Chùa Ngọc Hoàng, còn được gọi là chùa Phước Hải Tự, là một đền thờ Ngọc Hoàng Thượng đế. Được xây dựng bởi Lưu Minh, một người Trung Quốc, vào đầu thế kỉ 20, chùa mang đậm kiến trúc Trung Hoa. Năm 1984, nó được đổi tên thành Phước Hải, nhưng vẫn được người địa phương gọi là Ngọc Hoàng.
Kiến trúc của chùa mang đặc trưng Trung Hoa và đã trải qua nhiều biến cố lịch sử, tạo nên một vẻ đẹp cổ kính và phủ một lớp màu thời gian. Chùa Ngọc Hoàng có mái lợp ngói âm dương và giữ được nét cổ kính. Chùa Ngọc Hoàng có nhiều tác phẩm nghệ thuật giá trị, trong đó có câu đối và hoành phi. Chùa có không gian bên trong rộng lớn và đặt các tượng thờ Phật và vị thần.
- Địa chỉ: 73, đường Mai Thị Lựu, Quận 1, TP.HCM
Chùa Gò (Phụng Sơn Tự)
Chùa Gò (Phụng Sơn Tự) là ngôi chùa Hoa cổ kính và trầm mặc được xây dựng theo kiến trúc đặc trưng của những ngôi đền, chùa Trung Hoa. Chùa Phụng Sơn mang một vẻ đẹp bình dị, gần gũi. Ngôi chùa có kích thước nhỏ nhắn, nằm giữa một khu đất rộng lớn. Không gian chùa thoáng mát, yên tĩnh, khiến cho du khách cảm thấy thư thái, thanh bình.
Điện Phật chùa Gò được bài trí trang nghiêm, tôn trí tượng Phật Thích Ca Mâu Ni, tượng Bồ Tát Quán Thế Âm và Bồ Tát Địa Tạng. Bên cạnh đó, chùa còn lưu giữ nhiều pho tượng cổ bằng gỗ quý, có giá trị nghệ thuật cao.
- Địa chỉ: 338-340 Nguyễn Công Trứ, phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1, TP.HCM
Hội quán Quảng Triệu
Hội quán Quảng Triệu, còn được gọi là Miếu Thiên Hậu hay Chùa Bà Cầu Ông Lãnh vốn là địa điểm sinh hoạt của người Hoa gốc Quảng Châu và Triệu Khánh, tuy nhiên nay đã trở thành cơ sở chung của cộng đồng người Việt lẫn người Hoa.
Di tích nằm trên một khuôn viên tương đối lớn, mặt bằng tổng thể được chia thành 3 trục: trục chính ở giữa và hai trục phụ hai bên, tạo thành một mặt bằng hình chữ "khẩu" hoặc chữ "quốc". Kiến trúc hội quán được xây dựng theo sơ đồ "nội công ngoại quốc" với tiền môn, thiên tỉnh, trung điện, nhà hương, chính điện. Công trình còn nổi bật với các tác phẩm điêu khắc đá, gỗ và đặc biệt là khối lượng đồ sộ các tiểu tượng sành men màu, làm từ gốm Cây Mai lẫn sản phẩm của gốm lưu ly Thạch Loan - Mỹ Ngọc.
- Địa chỉ: 156 đường Võ Văn Kiệt, phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
4. Thánh đường Hồi giáo:
Nghệ thuật kiến trúc - trang trí thánh đường Hồi giáo ở Thành phố Hồ Chí minh không quá nhiều bộ phận, đường nét, cũng có thể nói là đơn giản. Sự kết hợp tinh tế giữa cái “đơn giản” của hai lĩnh vực kiến trúc và trang trí đã tạo nên vẻ đẹp trong dáng dấp vững chãi nhưng tao nhã, mềm mại như “thoát tục” của một nơi được xem là thiêng liêng nhất. Thánh đường là công trình kiến trúc tập trung tài năng, sức sáng tạo của bộ phận cư dân Hồi giáo ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Thánh đường Hồi giáo Jamia Al-Musulman
Được xây dựng từ năm 1935, Thánh đường Hồi giáo Jamia Al-Musulman là nơi các tín đồ đạo Hồi đến hành lễ tại Sài Gòn. Đây là thánh đường nổi tiếng bậc nhất của Sài Gòn, với diện tích khoảng 2.000 m2. Thánh đường do cộng đồng Ấn kiều quyên góp tiền xây dựng, phục vụ nhu cầu tâm linh của những tín đồ Hồi giáo đến từ Nam Ấn Độ tại Sài Gòn.
- Địa chỉ: 66 Đông Du, quận 1, TPHCM.
Thánh đường Masjid Al Rahim
Được ghi nhận xưa nhất Sài Gòn, ngôi thánh đường Masjid Al Rahim do tín đồ Malaysia xây dựng năm 1885 và đến năm 2009 được xây lại mới hoàn toàn.
- Địa chỉ: 45 Nam Kỳ khởi nghĩa, Quận 1, TPHCM.
Hãy nhớ rằng, các địa điểm tôn giáo Quận 1 không chỉ đơn thuần là nơi thờ cúng; chúng là những minh chứng sống động cho di sản tinh thần của thành phố. Những không gian thiêng liêng này, mỗi không gian có lịch sử độc đáo, vẻ đẹp kiến trúc và cộng đồng sôi động, đã đóng vai trò là ngọn hải đăng soi sáng về đức tin và sự kiên cường qua nhiều thế hệ.